Tại hội nghị, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng đã báo cáo công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian qua. Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 198 ca bệnh bạch hầu, trong đó có 4 ca tử vong (Đắk Nông 2 ca, Gia Lai 1 ca, Kon Tum 1 ca); các ca bệnh tập trung chủ yếu ở 3 khu vực chính là: Tây Nguyên, miền Trung, miền Nam. Đặc biệt từ tháng 6 đến nay, số ca bệnh tại khu vực Tây Nguyên đã tăng nhanh rõ rệt, phân bố rải rác ở các nhóm tuổi, chủ yếu là những người không rõ tiền sử tiêm chủng hoặc chưa được tiêm phòng vắc xin bạch hầu.
Hiện cả nước cũng đang ghi nhận gia tăng số người mắc sốt xuất huyết. Trong 3 tuần gần đây, số ca mắc đang có xu hướng tăng lên đã gần với ngưỡng cảnh báo dịch. Các ca bệnh tập trung chủ yếu ở một số tỉnh miền Trung, miền Nam như: Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Kon Tum, Khánh Hoà, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội… Tuy nhiên hiện chưa có bất thường về diễn biến dịch, xu hướng gia tăng ca mắc vẫn theo chu kỳ như hàng năm.
Tuy nhiên, giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 11 là giai đoạn “nóng” của dịch sốt xuất huyết khi thời tiết vào mùa mưa, khi hậu rất thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, phát triển. Trong khi đó, hiện ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao, tốc độ đô thị hoá, di biến động dân cư làm tăng nguy cơ lan rộng dịch bệnh và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các đơn vị y tế và các ban ngành tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế xã hội vừa đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả. Hiện chúng ta đã làm tốt công tác phòng chống dịch COVID-19, nhưng cùng với đó cũng không được lơ là với các dịch bệnh khác. Việt Nam quyết tâm không để một địa phương nào xảy ra dịch chồng dịch. Các cấp, các ngành và nhất là người dân không được lơ là, chủ quan với các dịch bệnh. Đồng thời, đánh giá kỹ tình hình, nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm ở từng tỉnh, từng thành phố vì nguy cơ bùng phát dịch các vùng miền khác nhau để tập trung công tác ngăn chặn nguồn lây hiệu quả./.