Thực phẩm nên tránh
Người cao tuổi thường nói vui: “Ăn được ngủ được là tiên – Không ăn không ngủ mất tiền thêm lo”. Đúng vậy, ăn được ngủ được là một yếu tố quan trọng của sự nuôi dưỡng và phát triển cơ thể. Tuổi càng cao thì cơ thể càng lão hóa, sự hấp thu các chất dinh dưỡng trở nên khó khăn hơn. Thêm vào đó người cao tuổi thường có nhiều nhược điểm về sức khỏe, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, thiếu máu cơ tim, rối loạn tuần hoàn não, chức năng thận, gan bị suy yếu… Những nhược điểm này là tiền đề cho nhiều tai biến như: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim.
Do vậy với người cao tuổi nên tránh sử dụng những thực phẩm sau:
Thực phẩm chiên, rán: Chiên ngập dầu là một trong những cách nấu nướng kém lành mạnh nhất. Thực phẩm chiên, rán thường ngấm nhiều mỡ, dễ gây các bệnh béo phì, ung thư, tim mạch. Khuyến khích chế biến thay thế đồ rán nướng bằng các món luộc, hấp…
Thực phẩm dầm, muối, nén: Những loại thực phẩm này thường quá mặn khi sử dụng dễ gây các bệnh về thận, huyết áp cao và các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột khác.
Thực phẩm chứa nhiều đường: Tuổi càng cao, cơ thể càng giảm sức chịu đựng, để sống khỏe và không tăng cân quá mức không nên ăn các thực phẩm như kẹo bánh, nước ngọt… vì làm tăng đường huyết trong máu, gia tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.
Thực phẩm đông lạnh: Trên thực tế đông lạnh là một cách thức để bảo quản thực phẩm, hệ tiêu hóa của người già thường yếu vì vậy không nên ăn các thực phẩm đông lạnh để phòng các bệnh về đường ruột. Bên cạnh đó thực phẩm đông lạnh cũng không tốt cho hệ tim mạch của người già.
Thực phẩm từ nội tạng động vật: Những món ăn từ nội tạng động vật có chứa lượng chất béo bão hòa và cholesterol cao hơn so với thịt. Nếu sử dụng nhiều sẽ làm tăng mỡ máu có hại cho tim mạch đặc biệt đối với người cao tuổi, người béo phì và người mắc bệnh rối loạn chuyển hóa như: tiểu đường, huyết áp cao, gout…
Thức ăn có lợi cho sức khỏe
Dân gian có câu: “Già được bát canh, trẻ được manh áo”, câu nói thể hiện người cao tuổi rất cần có một chế độ ăn nhẹ nhàng, không nên ăn uống “khô khan” quá, không nên uống quá nhiều nước nhưng cần uống đủ. Nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, chế biến các món ăn mềm, thái nhỏ hầm kỹ, các món canh chất lượng dễ tiêu. Người già nên nhai chậm, kỹ thức ăn và không nên ăn quá no vào buổi tối vì khi nằm dạ dày căng to đẩy cơ hoành lên chèn ép hoạt động của tim. Sau khi ăn xong nên ngồi hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 30 phút để giúp dạ dày nhào trộn tiêu hóa thức ăn và chuyển xuống ruột non dễ dàng.
Các vi chất dinh dưỡng được tìm thấy rất nhiều trong rau củ quả như: rau bắp cải, rau muống; rau ngót; su su; su hào; cam; quýt; dưa hấu; xoài… Vì vận động của hệ tiêu hóa giảm ở người cao tuổi nên cần thêm lượng chất xơ vào chế độ ăn bằng cách thêm lượng rau củ quả. Với người bình thường lượng rau củ quả khoảng 500g thì với người già lượng này nên duy trì và có thể tăng thêm. Ngoài ra, cần giảm lượng đạm động vật trong các loại thịt mà thay thế vào đó là các loại tôm, cá, sữa. Chỉ nên ăn dưới 150g thịt các loại trong 1 ngày.
Không nên ăn những thức ăn nấu lại nhiều lần. Thức ăn tốt, đảm bảo vitamin, khoáng chất là phải ăn ngay sau khi nấu lúc này hàm lượng dinh dưỡng trong thức ăn còn cao.
Ngoài việc ăn sao cho tốt, đúng khoa học, mỗi ngày người cao tuổi nên tạo thói quen sử dụng thực phẩm bổ sung để duy trì sức khỏe. Mỗi ngày người cao tuổi nên uống từ 1 – 2 ly sữa dinh dưỡng dành cho người cao tuổi sẽ là nguồn bổ sung đầy đủ những dưỡng chất thiếu hụt.
Hãy ăn đúng khoa học, đảm bảo sức khỏe, nên chọn những thực phẩm có bổ sung có chất xơ FOS có lợi cho đường tiêu hóa, giúp hấp thu thức ăn tốt hơn, ngăn ngừa táo bón. FOS có tác dụng điều hòa hệ vi sinh vật đường ruột (kích thích vi khuẩn có lợi, kìm hãm vi khuẩn có hại), bảo vệ đường tiêu hóa giúp hạ Cholesterol máu.
Theo Suckhoegiadinh