Tại hội nghị, TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, thế giới tiếp tục ghi nhận các biến chủng mới. Đến nay, hơn 90 quốc gia đã ghi nhận biến chủng mới của Anh, hơn 40 nước ghi nhận biến chủng từ Nam Phi.
Đáng lưu ý, bước đầu đã có bằng chứng về đột biến (E484K) có liên quan đến việc tăng khả năng lây truyền và giảm đáp ứng miễn dịch của người mắc.
Tại Việt Nam, đến sáng 19/2 ghi nhận 2.347 ca mắc COVID -19, trong đó có 1.448 ca lây nhiễm trong nước. Trong đợt dịch thứ 3, từ ngày 27/1 đến nay, nước ta đã ghi nhận 755 ca mắc tại 13 tỉnh, thành, Hải Dương nhiều nhất với 575 trường hợp.
Với số ca mắc trên, Việt Nam hiện đứng thứ 172 trên thế giới, thứ 41 tại Châu Á và thứ 7 Đông Nam Á.
Nước ta đã ghi nhận 4 biến chủng SARS-CoV-2, bao gồm: D614G từ châu Âu (dịch tại Đà Nẵng); B.1.1.7 từ Anh đang gây dịch tại Hải Dương; B.1.351 từ Nam Phi trên bệnh nhân người Nam Phi (bệnh nhân 1422), nhập cảnh sân bay Nội Bài ngày 19/12/2020 và chủng A.23.1 từ Rwanda, châu Phi, ghi nhận tại ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM.
Trong đó chủng B.1.1.7 tại Hải Dương có tốc độ lây lan nhanh hơn 70% so với chủng cũ, kể cả biến thể châu Âu D614G.
Tình hình dịch tại Hải Dương vẫn còn phức tạp, khả năng tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới trong thời gian tới.
Riêng các tỉnh khác, đặc biệt Hà Nội và TP. HCM, nguy cơ thêm các trường hợp mới trong cộng đồng luôn thường trực do sau Tết, người dân từ các địa phương quay trở lại làm việc.
Hội nghị đã nghe các báo cáo tham luận và phát biểu của các Thứ trưởng Bộ Y tế: Nguyễn Trường Sơn, Đỗ Xuân Tuyên; Cục trưởng khám chữa bệnh: Lương Ngọc Khuê và Lãnh đạo các tỉnh: Hải Dương, Gia Lai, Tp Hồ Chí Minh…
Phát biểu kết luận tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/1/2021 về một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 và các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban bí thư….cũng như các văn bản chỉ đạo của địa phương nhằm tập trung với tinh thần cao nhất, biện pháp quyết liệt nhất trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Luôn luôn sẵn sàng chuẩn bị các kịch bản xấu nhất.
Tăng cường tầm soát COVID -19 tại các nơi tập trung đông người: nhà ga, siêu thị, nhà máy, xí nghiệp…nếu phát hiện có các triệu chứng viêm long đường hô hấp trên (ho, sốt, sổ mũi nước…), nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm ngay lập tức. Đồng thời giám sát chặt chẽ những trường hợp SARI, ILIT…theo thường quy và các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Áp dụng nguyên lý phòng chống dịch COVID-19 hiện nay: Khoanh vùng nhanh, lấy mẫu diện rộng song song với việc truy vết thần tốc và thực hiện phong tỏa trên diện hẹp nhằm khống chế dịch kịp thời, nhanh chóng hạn chế lây lan.
Tăng cường kiểm tra các khu cách ly tập trung và nên giao cho lực lượng quân đội quản lý, chỉ huy và điều hành nhằm chủ động thực hiện nghiêm ngặt vấn đề cách ly, giám sát, cũng như công tác hậu cần phục vụ đối tượng cách ly theo quy định.
Triển khai bảng mã hệ thống khai báo y tế - QR Code tại các nơi tập trung đông người và có người hướng dẫn thực hiện nhằm hỗ trợ cho công tác truy vết các đối tượng nguy cơ sau này.
Vắc xin phòng bệnh COVID-19 đã được Bộ Chính trị chuẩn y, giao cho Bộ Y tế triển khai thực hiện sớm, nhằm giảm thiểu khả năng lây nhiễm COVID-19./.